Thoắt cái đã gần 20 năm kể từ ngày tân kỹ sư Võ Văn Nguyên về đầu quân cho Công ty TNHH MTV Thép Tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL, từ ngày xung quanh khu vực nhà máy chỉ có hàng rào cỏ cao quá đầu người, đến nay đã là một doanh nghiệp hiện đại của ngành Thép Việt Nam..
Tuổi trẻ rực cháy đam mê
Năm 2003, chàng trai Võ Văn Nguyên tốt nghiệp ngành Cơ khí – Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh háo hức xách ba lô về đầu quân cho Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL (PFS). Cảm giác đầu tiên khi đứng trước cổng Nhà máy với “hàng rào cỏ” cao quá đầu người, anh đã tự nhủ, nhà máy còn khó khăn, mình may mắn được là một trong những kỹ sư đầu tiên đặt nền móng cho nơi này, dù thế nào mình cũng phải vượt qua được. Và thế là, chàng trai ấy đã dành cả thanh xuân để chia sẻ ngọt bùi, cùng nếm trải thất bại và thành công, gắn bó với sự phát triển của Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL suốt 19 năm qua.
Chủ tịch Công đoàn, kỹ sư Võ Văn Nguyên đã xem Tấm lá Phú Mỹ là ngôi nhà thứ hai của anh
Là lứa kỹ sư đầu tiên được tuyển vào Nhà máy, áp lực và kỳ vọng đặt lên vai các anh rất nặng nề. Trong 3 tháng đầu tiên, Nhà máy thuê giáo viên nước ngoài về để đào tạo thêm tiếng Anh cho tất cả mọi người. Đến tháng 12/2003, nhóm kỹ sư gồm 32 người bắt đầu lên đường sang học công nghệ tẩy gỉ tại Ý và Mexico. Nhiệm vụ của họ là trong vòng 1 tháng, mỗi kỹ sư phải học bằng được công nghệ dây chuyền tẩy gỉ, để khi trở về sẵn sàng cho việc lắp đặt, vận hành Nhà máy.
Hơn 30 ngày ăn ngủ trên dây chuyền, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, đôi khi chàng thanh niên quê gốc Tây Ninh ấy chỉ thèm một bát nước chấm thơm mùi mắm và mấy quả cà muối xổi. Đó quả thật là những tháng ngày vô cùng tươi đẹp của tuổi thanh xuân, những kỷ niệm đẹp không thể quên trong hành trang làm một thành viên trong đại gia đình Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL.
Trở về nước, Nhà máy bắt đầu đưa chuyên gia về lắp đặt dây chuyền. Vừa ra trường, chưa có va chạm thực tế, trong khi đó ngành thép cán nguội còn chưa có nhà máy tại Việt Nam, Võ Văn Nguyên và các đồng nghiệp không tránh khỏi choáng ngợp. 1 tháng đi học tại nước ngoài cũng chỉ giúp anh em kỹ sư có kiến thức sơ bộ về công nghệ và vận hành. Do đó, anh em phải bám sát các chuyên gia, vừa giám sát lắp đặt, vừa đào tạo cho đội ngũ mới vào sau. Sức trẻ và niềm đam mê chinh phục cái mới đã giúp cho anh em có thêm động lực ngày đêm ăn ngủ, bám trụ tại Nhà máy, “đá cặp” các chuyên gia để học tất cả những điều không có trong sách vở. Quả ngọt của sự nỗ lực ấy chính là những kiến thức đã thu thập được, sự tự tin của đội ngũ kỹ sư của Nhà máy khi hoàn toàn làm chủ công nghệ và vận hành, xử lý các sự cố sau khi các chuyên gia rút hẳn khỏi Việt Nam năm 2007.
Một chủ tịch Công đoàn luôn lắng nghe và thấu hiểu
Tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành
Sau gần 20 năm, trước mặt tôi bây giờ là một người đàn ông chững trạc mà thoáng nhìn, tôi cứ tưởng một chuyên gia người Nhật. Dáng người chắc chắn, khuôn mặt hiền khô, hơi nghiêm nghị, giọng nói điềm đạm, nhỏ nhẹ, Nguyên rất giống với các chuyên gia người Nhật mà tôi đã làm việc. Trò chuyện cùng tôi, Nguyên cho biết thêm, trong lứa 32 kỹ sư đầu tiên của Nhà máy, Nguyên là 1 trong 5 người còn ở lại. Bởi với Nguyên, Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL đã là gia đình, là cuộc sống của anh, khi tại đây anh đã tìm được người vợ tào khang, cùng chung lưng đấu cật từ hai bàn tay trắng thuở đầu lập nghiệp.
Vùng đất này cũng trở thành quê hương thứ 2 của anh, khi mà vào năm 2016, sau nhiều năm đi lại giữa Sài Gòn – Phú Mỹ, vợ chồng anh mua được mảnh đất xây nhà và quyết định an cư tại Phú Mỹ! Không còn cảnh ngược xuôi, mỗi ngày hàng giờ ngồi trên xe tuyến trở về thành phố, Phú Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai của vợ chồng anh, cũng như Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL là gia đình thứ hai vậy. Kỹ sư Võ Văn Nguyên hiện là Phó Phòng kỹ thuật, trong khi vợ anh làm tại Phòng chất lượng của Công ty. Ở cương vị này, anh cùng với các Phân xưởng lên kế hoạch bảo trì bảo dưỡng giúp thiết bị hoạt động ổn định, tăng hiệu suất sử dụng máy góp phần tăng sản lượng và giảm tiêu hao.
Sau nhiều năm lăn lộn với sản xuất, Võ Văn Nguyên đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất một nhà máy cán thép nguội. Ở vị trí nào, anh cũng luôn tâm niệm, làm sao anh em khi vận hành phải cảm thấy thoải mái nhất. Nguyên tâm sự: “Trong sản xuất sẽ luôn có sáng kiến. Là một người gắn bó với Nhà máy từ những ngày đầu thành lập, tôi nắm rõ các dây chuyền như lòng bàn tay.
Vì thế, phương châm làm việc của tôi là hạn chế thấp nhất những vất vả của người lao động, tìm cách bảo trì sửa chữa, thay đổi hợp lý hóa sản xuất để anh em làm việc nhẹ nhàng thoải mái, sạch sẽ không phải lấm lem dầu mỡ”. Do vậy, Nguyên có rất nhiều sáng kiến cải tiến khiến cho dây chuyền sản xuất vận hành đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2007, Tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và vận hành, xử lý các sự cố sau khi các chuyên gia rút hẳn khỏi Việt Nam.
Mới đây nhất là 02 sáng kiến tiêu biểu của Nguyên được tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến của đoàn viên công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi xướng. Đó là sáng kiến “Cải tiến trục con lăn side trimmer RCL bị gãy”, sáng kiến đã nghiên cứu lựa chọn, thay đổi tăng đường kính ngõng trục tại vị trí lắp bạc đạn 2 đầu con lăn từ Ø20 lên Ø25, thay đổi bạc đạn từ 6304 lên 6205 giúp cho quá trình sản xuất liên tục không phải dừng do sự cố gãy cổ trục và giảm nhân công thực hiện.
Tiếp theo là sáng kiến “Thiết kế, bố trí lại mặt bằng tank chứa, hợp lý hóa và lắp đặt bổ sung tank chứa waste acid khu vực ARP phù hợp với sản xuất sản lượng cao vượt công suất thiết kế” giúp đảm bảo có đủ chỗ chứa waste acid khi xảy ra sự cố tại dây chuyền ARP hoặc có thời gian bảo trì thiết bị tại khu vực này.
Bãi thép cuộn nhìn từ trên cao
Chủ tịch công đoàn năng động
Không chỉ là một cây sáng kiến, Võ Văn Nguyên còn là một chủ tịch công đoàn được người lao động yêu mến. Trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, tháng 7/2021, Công ty buộc phải tập trung 3 tại chỗ. Với 230 con người, lo ăn ở ngày 4 bữa, ổn định tâm lý cho anh chị em là điều không đơn giản, dù cho mỗi người được hưởng phụ cấp ngoài lương là 200.000 đ/ngày. Là Chủ tịch Công đoàn, Võ Văn Nguyên đã luôn theo sát người lao động, lắng nghe những nỗi lo lắng của họ, cùng với chuyên môn chăm lo cho cuộc sống của người lao động tại Công ty được đầy đủ, an toàn nhất.
Giai đoạn này, Công ty tiếp tục phát động các phong trào thi đua sáng kiến tiết kiệm, cắt giảm các chỉ tiêu tiêu hao kinh tế kỹ thuật, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, giúp tạo ra lợi nhuận. Kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2021 có tăng trưởng, thu nhập người lao động cũng tăng 27,3% so với năm 2020. Những ngày lễ, tết, Công ty đều lo cho người lao động rất chu đáo. Đặc biệt, do số lượng chị em phụ nữ của Công ty rất ít nên phái yếu rất được cưng chiều, được lãnh đạo Công ty rất ưu ái. 8 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân người lao động đạt 17,9 triệu đồng/tháng.
Quang cảnh của Tấm lá Phú Mỹ- VNSTEEL về đêm
Thép Tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL cũng là một trong những đơn vị thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP đi đầu trong việc triển khai ăn buffet cho người lao động. Ngay từ năm 2017, Công ty đã áp dụng mô hình này, vừa giúp người lao động cải thiện bữa ăn, vừa tránh lãng phí.
Mỗi suất ăn được Công ty hỗ trợ 45-50.000/bữa. Tan ca làm, anh em có thể qua khu nhà tắm giặt, tắm xong để quần áo lại cho các chị lao công giặt sấy sạch sẽ, thơm tho, treo sẵn thành từng dẫy, hôm sau vào mỗi người lại tự lấy trang phục của mình (đều có in tên) để vào ca.
Hàng ngày có xe đưa đón CBCNV tuyến Sài Gòn – Phú Mỹ, hoặc có cư xá chung với Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL, cách Công ty 3 cây. Hiện có khoảng 40 người đang ở trong cư xá, cuối tuần mới về thăm gia đình. Cũng đã có một số anh em giống như anh Nguyên đã an cư lạc nghiệp ngay tại Phú Mỹ.
Không chỉ đối với kỹ sư Võ Văn Nguyên mà thôi, với hầu hết những con người đang hàng ngày hàng giờ làm việc trong nhà máy để sản xuất ra những tấm thép lá cuộn cán nóng, đều có chung một tình cảm gắn bó, yêu thương đó. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”* – với họ, Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL đã là gia đình, là máu thịt để họ sẵn sàng dành cả thanh xuân cống hiến cho sự phát triển của Công ty, vì một ngày mai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước.