Ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) nhận định trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc vẫn yếu, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng gia tăng xuất khẩu trong năm 2023.
Nhu cầu nội địa yếu thúc đẩy xuất khẩu thép của Trung Quốc năm 2023
Tại hội thảo “Triển vọng thị trường thép Trung Quốc và Việt Nam”, ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) cho biết xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc nhưng sản lượng đã thay đổi trong suốt 5 năm qua tùy theo các động thái tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu, giảm thuế xuất khẩu của quốc gia này.
Năm 2022, Trung Quốc xuất khẩu 67,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 0,8% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép dẹt và tôn mạ là những sản phẩm chủ lực, lần lượt chiếm 64% và 12,5% trong tổng lượng thép xuất khẩu.
Về thị trường, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines vẫn nằm trong top 3 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc. Nước này đang có xu hướng xuất khẩu nhiều sản phẩm thép hơn sang Trung Đông, Ấn Độ và châu Âu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trưởng Đông Nam Á giảm.
Ông Luan Shorden nhận định trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc vẫn yếu, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng gia tăng xuất khẩu trong năm 2023. Đặc biệt khi Trung Quốc đã tạm thời mở cửa thị trường xuất khẩu với mặt hàng thép cây, đây là lần đầu tiên thép cây có thể tăng trưởng sau gần 5 năm.
“Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn rất khả quan do nhu cầu trong nước yếu ở quý I/2023 và thậm chí phôi thép còn được xuất khẩu nhiều hơn trong năm nay. Dự kiến xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC nói.
Theo dữ liệu từ chuyên gia này, quý I/2023, lượng tồn kho phôi thép ở các nhà máy thép Đường Sơn đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi, các nhà máy sản xuất có xu hướng tiếp tục sản xuất và có thể bán dưới giá thành để có tiền mặt (do khó khăn về tài chính) thì phôi thép đang được xuất khẩu trở lại trong năm nay.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ ít cơ hội nhập khẩu phôi thép vào năm 2023, dòng phôi thép Đông Nam Á chảy nhiều hơn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Chi phí sản xuất leo thang, xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm trong vài thập kỷ tới
Tại hội thảo, ông Luan Shorden việc chi phi sản xuất thép của Trung Quốc tăng cao sẽ dẫn đến việc mất đi lợi thế giá cơ sở cho xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu bảo vệ môi trường phải hoàn thành trong thập kỷ tới.
“Chính sách đất đai ít thuận lợi hơn cho sản xuất thép ở Trung Quốc, gần như không thể có thêm khả năng sản xuất thép thô mới”, Phó Tổng Giám đốc SUMEC nói.
Mặt khác, công suất thép mới ở Đông Nam Á và kế hoạch chuyển đổi sản xuất sang các khu vực có chi phi thấp sẽ tăng cường vai trò cung cấp thép thổ cho khu vực, tạo khả năng nhập khẩu phôi thép dài hạn ở Trung Quốc, thậm chí là sản phẩm thép dài thành phẩm.
Do vậy, Trung Quốc đang chuyển sang sản xuất thép chất lượng cao, mặt hàng thép dẹt dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong 2-3 năm tới bởi 9 trong 10 quốc gia sản xuất thép hàng đầu đã thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Trung Quốc cũng hướng đến mục tiêu này và xu hướng dài hạn là sẽ kiểm soát sản xuất, đặc biệt với thép thô.
Ngoài ra, sản xuất xe điện cũng thúc đẩy nhu cầu về thép có đặc tính chống ăn mòn, nhẹ, bền, mở ra cơ hội cho mảng thép dẹt.
(Nguồn: vietnambiz)