Nhiều rủi ro cản bước đà tăng của giá quặng sắt

Rủi ro đối với các yếu tố thúc đẩy giá quặng sắt giao ngay tăng lên khi thị trường bắt đầu đặt câu hỏi về bản chất và sức mạnh của sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, trong khi kịch bản hạ cánh cứng của nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng.

Theo Reuters, tính đến ngày 27/3, giá quặng sắt giao dịch ở mức 126 USD/tấn, giảm 8,8% so với mức đỉnh 9 tháng là 133 USD/tấn thiết lập hôm 15/3. Mặc dù vậy, so với mức mức thấp hồi tháng 10 năm ngoái, giá quặng sắt vẫn tăng khoảng 50%.

Sau cú sụt giảm sâu trong quý IV/2022, giá quặng sắt nhanh chóng phục hồi trở lại nhờ động lực từ phía Trung Quốc – quốc gia chiếm tới 70% khối lượng thép thô nhập khẩu bằng đường biển.

Giá quặng sắt tăng phù hợp với nhu cầu mặt hàng nguyên liệu này của Trung Quốc đang có xu hướng đi lên.

Theo dữ liệu chính thức của Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu quặng sắt trong hai tháng đầu năm đật 194,2 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ước tính của Kpler và Refinitiv, tốc độ nhập khẩu có thể tiếp tục duy trì trong tháng 3 với lượng khoảng 102,7 – 103 triệu tấn.

Như vậy, trung bình mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3,32 triệu tấn trong tháng 3, tăng so với mức 3,29 triệu tấn/ngày trong hai tháng đầu năm.

Câu hỏi đặt ra ở thời điểm hiện tại là những rủi ro nào đang trực chờ đối với đà tăng giá và khối lượng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc.

Một trong những yếu tố cần lưu ý là kế hoạch phục hồi kinh tế của nước này chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng hơn là việc xây dựng các dự án nhà ở dân dụng.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khá thấp, khoảng 5% và nhiều khả năng động lực chính đến từ việc kích thích tiêu dùng. Đây là yếu tố hỗ trợ chính đối với nhu cầu các mặt hàng năng lượng như dầu thô do hoạt động giao thông, vận tải tăng cao.

Những khó khăn ở thị trường bất động sản dân dụng đang có dấu hiệu dần được khắc phục trong hai tháng đầu năm, tuy nhiên hầu hết chỉ số vẫn ở mức âm, vì vậy cuối cùng đây vẫn là lực cản đối với nhu cầu thép.

Hai tháng đầu năm, đầu tư bất động sản giảm 5,7%, mặc dù vậy đây là một sự cải thiện so với mức giảm 10% cho cả năm 2022. Số lượng nhà ở mới khởi công giảm 9,4%, vẫn ở mức âm nhưng tốt hơn so với mức giảm 39,4% trong tháng 12.

Hoạt động xây dựng chiếm khoảng 1/3 nhu cầu thép của Trung Quốc và điều này đồn nghĩa các lĩnh vực khác cũng sẽ dần phục hồi.

Ngành công nghiệp sản xuất phương tiện giao thông và hàng hoá khác cũng cho thấy một vài tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, những ngành này cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ đà suy giảm của thế giới do Trung Quốc là nhà xuất khẩu sản phẩm chế tạo lớn nhất toàn cầu.

 Nguồn: Reuters (H.Mĩ Việt hoá)

Rủi ro từ sản lượng thép có thể giảm?

Cũng đã có suy đoán rằng Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách cắt giảm 2,5% sản lượng thép vào năm 2023 từ mức chỉ hơn 1 tỷ tấn của năm 2022.

Nếu một chính sách này được thông qua, điều đó có nghĩa là đà tăng trưởng của thị trường quặng sắt trong nửa đầu năm 2023 sẽ đảo chiều vào nửa sau của năm do sản lượng thép bị cắt giảm.

Nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc có thể giảm xuống 910 triệu tấn vào năm 2023 từ 920 triệu tấn vào năm 2022, Niki Wang, biên tập viên quản lý quặng sắt tại S&P Global Commodity Insights, nhận định tại Hội nghị Dự báo Quặng sắt và Thép Toàn cầu ở Perth hôm thứ Năm tuần trước (23/3).

Mặc dù mức giảm 10 triệu tấn trong tổng tiêu thụ của Trung Quốc là tương đối nhỏ, nhưng điều đó vẫn khiến việc xây dựng một kịch bản tăng giá tổng thể cho nhu cầu và giá quặng sắt cho toàn bộ năm 2023 trở nên khó khăn hơn.

Rủi ro là nhu cầu quặng sắt đang được dồn vào nửa đầu năm và có khả năng sẽ giảm trong nửa thứ hai, đồng thời giá mặt hàng này cũng sẽ chịu áp lực.

H.Mĩ