Tham vọng làm dự án thép công suất 80% Hoà Phát Dung Quất 1 của ông chủ họ Trịnh

Quy mô dự án sản xuất thép của Long Sơn đề xuất tương ứng 80% dự án Hoà Phát Dung Quất 1. Để làm được các dự án lớn như Dung Quất 1 là một quá trình tích luỹ, đầu tư từ thời điểm thị trường còn sơ khai của Tập đoàn Hoà Phát, riêng đối với Long Sơn vẫn là một ẩn số.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Long Sơn khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư dự kiến 8.900 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn dự kiến sử dụng 343 ha; trong đó có 140 ha mặt nước. Tại đây sẽ xây dựng 14 bến cảng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 – 250.000 tấn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp gần 30 triệu tấn hàng/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 8.900 tỷ đồng.Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn đang được tỉnh Bình Định đề xuất bổ sung vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, Long Sơn cũng có đề nghị tỉnh được khảo sát, lập dự án Nhà máy liên hiệp sản xuất gang thép Long Sơn tại tỉnh Bình Định trên diện tích gần 494 ha, tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng, công suất nhà máy dự kiến khoảng 4 triệu tấn thép/năm.

Tham vọng của ông Trịnh Quang Hải

Về phía Long Sơn, đây là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2001 tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình với có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu. Long Sơn đã trải qua nhiều lần tăng vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa phương khác.

Gần đây nhất vào tháng 3/2021, vốn điều lệ được nâng từ 1.409 tỷ đồng lên hơn 2.205 tỷ. Trong đó, vợ chồng ông Trịnh Quang Hải và Đỗ Thị Lan góp đến 95% cổ phần, tương đương 2.094 tỷ.

Long Sơn Lộ diện ông chủ họ Trịnh thực hiện dự án cảng biển 8.900 tỷ đồng tại Bình Định - Ảnh 2.

Nguồn: MH tổng hợp từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Hiện vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của Long Sơn được giao cho ông Trịnh Quang Hải (sinh năm 1968).

Ông Trịnh Quang Hải ngoài ra còn góp mặt vào HĐQT của CTCP Vật tư­ Vận tải Xi măng và là Ủy viên HĐQT CTCP Năng lượng và Môi trường VICEM.

Công ty Long Sơn cũng chính là chủ đầu tư Nhà máy Xi măng cùng tên nổi tiếng tại Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 3.960 tỷ đồng, đi vào hoạt động cuối năm 2016.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Thanh Hoá, năm 2020, Nhà máy xi măng Long Sơn sản xuất 5,35 triệu tấn Clinker, 7,18 triệu tấn xi măng. Tiêu thụ 7,12 triệu tấn xi măng, 0,696 triệu tấn Clinker; doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng dự án trạm nghiền xi măng công suất 2 triệu tấn/năm sử dụng nguồn clinker của dây chuyền 3 – dự kiến đưa dự án vào vận hành sản xuất cuối tháng 5/2021.

Bên cạnh đó, công ty của ông Trịnh Quang Hải còn có ba nhà máy đóng bao xi măng tại Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy (Khánh Hòa), KCN Nhựt Chánh (Long An) và Cảng Hào Hưng (Quảng Ngãi).

Long Sơn Lộ diện ông chủ họ Trịnh thực hiện dự án cảng biển 8.900 tỷ đồng tại Bình Định - Ảnh 3.

Nhà máy Xi măng Long Sơn tại tỉnh Thanh Hóa thuộc sở hữu của Công ty Long Sơn. (Ảnh: Long Sơn).

Bên cạnh lĩnh vực xi măng, công ty của ông chủ họ Trịnh sở hữu 4 hệ thống cảng biển tại Nghi sơn – Thanh Hóa; Ninh Thủy – Khánh Hòa; Quy Nhơn – Bình Định và tại TP HCM cùng hệ thống xe vận tải, đội tàu sông và tàu biển theo giới thiệu của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn chiếc.

Riêng tại Thanh Hóa, Công ty Long Sơn là chủ đầu tư của dự án Cảng tổng hợp Long Sơn Khu kinh tế Nghi Sơn trên diện tích 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.178 tỷ đồng bao gồm 4 bến (số 7, số 8, số 9 và số 10). Vào đầu năm, công ty cho biết đã hoàn thành hai bến số 7 và 8 và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2020 với chiều dài bến 500m, có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn giảm tải.

Mục tiêu năm 2021, Long Sơn sẽ hoàn thành các dự án khác của công ty tại Khu kinh tế Nghi Sơn và tiếp tục triển khai các dự án bến cảng số 9 và số 10 tại dự án Cảng tổng hợp Long Sơn; đầu tư trở lại bến số 5 và bến số 6 đối với cảng container; hoàn tất thủ tục dự án Cụm công nghiệp Long Sơn và Cảng thủy nội địa Lạch Sung.

Trở lại với dự án kết hợp nhà máy sản xuất thép công suất 4 triệu tấn/năm và cảng nước sâu có tổng quy mô xấp xỉ 57.000 tỷ đồng của Long Sơn, dự kiến nếu được đưa vào vận hành sẽ trở thành một trong ba dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay bên cạnh hai ông lớn Formosa và Hoà Phát.

Hoà Phát (Mã: HPG) dự kiến đạt tổng sản lượng khoảng 8 triệu tấn trong năm nay. Bên cạnh hai nhà máy tại Hải Dương và Hưng Yên, doanh nghiệp này đang vận hành nhà máy Hòa Phát Dung Quất 1 với công xuất 5 triệu tấn với tổng vốn đầu tư là 65.000 tỷ.

Như vậy, quy mô dự án sản xuất thép của Long Sơn đề xuất tương ứng 80% dự án Dung Quất 1 của Hoà Phát. Để làm được các dự án lớn như Dung Quất 1 là một quá trình tích luỹ, đầu tư từ thời điểm thị trường còn sơ khai của Tập đoàn Hoà Phát.

Còn theo thông tin chúng tôi có được, doanh thu của Long Sơn ghi nhận mức tăng trưởng liên tục giai đoạn 2016 – 2019. Năm 2019, Long Sơn khi ghi nhận 12.600 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 4 lần so với năm 2016. Biên lãi gộp dao động 8% – 9% trong cùng giai đoạn.

Đáng chú ý, mức lãi sau thuế hằng năm của Long Sơn ghi nhận chưa tới 2 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của Công ty Long Sơn đạt hơn 9.300 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với năm trước đó. Trong đó nợ phải trả chiếm đến 85%, hơn 7.928 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ vay dài hạn.

Hé lộ năng lực của công ty được làm dự án cảng biển 8.900 tỷ đồng tại Bình Định - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Công ty Long Sơn giai đoạn 2016 – 2019. (Nguồn: Tổng hợp).